Đó là lời chia sẻ của một cô gái đã từng là giáo viên dạy tiếng Anh, có điểm IELTS 6.5 khi ở Việt Nam, tuy nhiên khi đặt chân đến Mỹ, cô ấy gặp không ít trở ngại trong những ngày đầu làm quen với “Real English”.  Một bài viết độc quyền của bạn trẻ Đậu Thị Sim gửi về cho Du học Eduzone để chia sẻ với các bạn đang và sắp học tiếng Anh, giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng của “môi trường tiếng”

Slide 1

Chương trình ưu đãi đặc biệt áp dụng cho học sinh tham gia khóa học từ 4 tuần trở lên.

“Đi và gặp gỡ…

Tôi không thể nào quên ngày đầu tiên tôi đặt chân đến nước Mỹ. Cái cảm giác đó thật khó tả: háo hức, bồi hồi, bỡ ngỡ và nhớ…

Vâng, tất nhiên ngôn ngữ bạn dùng khi đến Mỹ là tiếng Anh. Tôi không nghĩ là đó là trở ngại đối với tôi vì khi ở Việt Nam, tôi đã dùng tiếng Anh khá nhiều trong công việc cũng như có cơ hội gặp gỡ nhiều người nước ngoài, kể cả người Mỹ. Thế nhưng, tôi vẫn gặp khó khăn trong việc nghe hiểu. Những ngày đầu tôi không thể hiểu được tất cả những gì họ nói. Tôi ở cùng phòng khách sạn với một cô bạn người Philippines. Tiếng Anh của cô ấy cực kỳ tốt. Cô ấy có thể nghe, hiểu, giao tiếp với người Mỹ và các bạn châu Âu khác cực kỳ tự tin. Vì thế cô ấy có thể tham gia vào các câu chuyện của họ. Trong khi đó, tôi chỉ nghe và cố gắng để hiểu họ nói gì nhưng tôi cũng không thể nào hiểu trọn vẹn về chủ đề mà họ đang nói tới. Cô ấy bảo, ở Philippines, người dân dùng tiếng Anh rất phổ biến. Thậm chí 2 cậu con trai của cô ấy 5, 6 tuổi đã có thể nói chuyện trao đổi bằng tiếng Anh. Việc người Filipino biết và nói tiếng Anh là cực kỳ bình thường ở đất nước họ.

Sim cùng bạn "check-in" trước White House
Sim cùng bạn “check-in” trước White House

Tôi không thể nào quên ngày thứ 3 ở Florida. Vì tôi không thể ăn được đồ ăn Mỹ trong những ngày đầu, cộng thêm jet lag do chuyến bay dài hơn 20 giờ đồng hồ làm tôi mệt mỏi vô cùng. Buổi sáng hôm đó, cô bạn cùng phòng rủ tôi đi tập gym. Tôi hào hứng đến phòng tập. Sau 20 phút chạy bộ, tôi cảm thấy choáng váng, hoa mắt và đau bụng. Tôi trở về phòng. Tôi cảm thấy mình không được ổn nên cố chạy ra quầy lễ tân khách sạn hỏi: “Do you have a doctor?”. Anh lễ tân lắc đầu và sau đó tôi gục ngay giữa quầy lễ tân. Cái cảm giác đó thật tệ khi tôi biết mình bị ngất do bị đói và tập quá sức. Lúc đó, cô bạn tôi chạy ra và nói chuyện với nhân viên khách sạn. Tôi không nhớ họ nói những gì nhưng sau đó mấy phút tôi nghe tiếng xe cứu thương đến trước cửa khách sạn. Rồi mấy anh da trắng to cao mang giường bệnh đến chỗ tôi. Họ kiểm tra huyết áp, hỏi tôi mấy câu hỏi đơn giản. Lúc đó tôi không đủ tỉnh táo để hiểu và trả lời. Cô bạn cùng phòng tôi nói chuyện với họ rồi họ bảo tôi có thể nghỉ ngơi mà không cần đến bệnh viện. Nếu không có cô ấy, tôi cũng không biết lúc đó mình sẽ ra sao…

Tôi đến Virginia sau 1 tuần ở Florida. Host mom tôi là người Việt nên tôi không gặp quá nhiều trở ngại trong ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng nói chuyện với host dad cũng như con của họ bằng tiếng Anh. Vì ở Mỹ hơn 20 năm nên tiếng Anh của host mom tốt hơn tiếng Việt. Và với host mom, tiếng Anh đã thành tiếng mẹ đẻ. Host mom tôi sang Mỹ vào năm 1992. Tôi có hỏi mom có gặp khó khăn gì trong những ngày đầu đến Mỹ không. Mom bảo không vì trước khi đi mom đã có thời gian học tiếng Anh 7 tháng ở Manila. Tôi không nghĩ trào lưu học tiếng Anh ở Philippines lại bắt đầu lâu đến như vậy. Mom bảo, mom học ở Philippines 7 tháng, có gia sư kèm 1:1. Sau khi học xong, mom sang Mỹ học thẳng Secondary school bằng tiếng Anh luôn. Và bây giờ, tiếng Anh của host mom như người bản xứ.

Tôi biết rằng tiếng Anh thực sự quan trọng khi ở Việt Nam, nhưng khi đến Mỹ, tôi thực sự thấy tiếng Anh cần thiết hơn bao giờ hết. Đến đây, người ta không quan tâm bạn đến từ đâu, bạn học tiếng Anh như thế nào. Bạn phải học cách giao tiếp để họ hiểu bạn và bạn hiểu họ. Đó là điều quan trọng nhất. Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu tôi không thể hiểu người Mỹ nói gì vì họ nói rất nhanh, accent khác nhau ở những bang khác nhau và họ dùng slang (tiếng lóng). Sau một tháng, tôi đã thấy quen hơn và hiểu được nhiều hơn. Học tiếng Anh nói riêng hay ngôn ngữ nói chung, cái quan trọng nhất là cần môi trường để mình thấy “quen” vì mức độ sử dụng thường xuyên.

Càng đi, càng gặp gỡ, tôi càng thấy mình cần học hỏi nhiều hơn. Ngôn ngữ là cầu nối của những con người khác màu da, khác chủng tộc. Thậm chí khi tôi đang sống ở Mỹ, tôi cũng đang cố gắng học tiếng Anh: học từ thực tế và kể cả sách vở.”

Đậu Thị Sim gửi về từ  Fairfax, Virginia tháng 7/2016

 

Visited 22 times, 1 visit(s) today

Đăng ký nhận báo giá và tư vấn khóa học miễn phí