Công ty du học Eduzone gửi tới các bạn chuẩn bị lên đường học tiếng Anh tại Philippines những chỉ dẫn cần thiết. Những học sinh nộp hồ sơ tại Eduzone sẽ được hướng dẫn trước khi bay trực tiếp tại Văn phòng. Ngoài ra các bạn cũng không phải lo lắng khi làm thủ tục nối chuyến tại thủ độ Manila, bởi Eduzone có đại diện người Việt Nam tại Philippines. Tất nhiên dịch vụ hoàn toàn miễn phí.

Slide 1

Chương trình ưu đãi đặc biệt áp dụng cho học sinh tham gia khóa học từ 4 tuần trở lên.

[ez-toc]

VÉ MÁY BAY VÀ QUY ĐỊNH VỀ HÀNH LÝ

– Học viên bắt buộc phải đặt vé khứ hồi vì quy định nhập cảnh tại Philippines.

– Đối với học viên theo học tại các trường ở thành phố Cebu, Bacolod, Iloilo… phải bay 2 chặng, cần transit tại Manila (Philippines)/ Kuala Lumpur (Malaysia)/ Singapore/ Hong Kong, …, học viên nên đặt thời gian quá cảnh từ 3 tiếng trở lên để kịp làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý, di chuyển, tránh nhỡ chuyến, trễ chuyến; nhà trường đón học viên đúng giờ đã định.

1.1 Hãng hàng không giá rẻ (Cebu Pacific hoặc AirAsia)

– Giá vé khứ hồi dao động từ 300$ – 500$ (tùy thời điểm đặt vé). Giá vé trên đã bao gồm 7kg hành lý xách tay. Hành lý ký gửi mua thêm với giá: 56usd/20kg; 100usd/32kg,…(khứ hồi)

– Cebu Pacific / AirAsia là hãng hàng không giá rẻ nên không được phục vụ đồ ăn cũng như chăn đắp. Vì vậy học viên nên mang theo một vài đồ ăn nhẹ, gối chữ U và chăn mỏng (hoặc áo khoác) để dùng trên máy bay.

– Phí hành lý quá cước: 12 usd/kg. Vậy nên học viên cần cân hành lý trước ở nhà.

1.2 Hãng hàng không cao cấp (Philippines Airline 4* hoặc Cathay Pacific 5*)

– Philippines Airlines: Giá vé từ  400$ – 600$ (khứ hồi) – tùy thời điểm đặt vé.

– Cathay Pacific: Giá vé từ  700$ – 900$ (khứ hồi) – tùy thời điểm đặt vé.

– Giá vé đã bao gồm 7kg hành lý xách tay và 20kg – 30kg hành lý ký gửi (tùy hãng)

– Hãng hàng không cao cấp có phục vụ bữa ăn và chăn đắp trên máy bay. Học viên chỉ cần chuẩn bị gối chữ U

– Phí hành lý quá cước: 100usd/kiện 20-25kg

1.3 Những lưu ý về hành lý

Hành lý xách tay

– Hành lý xách tay quy định là 7kg hoặc 10kg tùy hãng. Học viên mang quá số cân sẽ phải để lại đồ hoặc phải nộp thêm phí nếu muốn mang theo. Kích cỡ của hành lý xách tay được tính theo quy định của luật hàng không.

– Các thiết bị điện tử như máy ảnh, điện thoại, laptop, máy nghe nhạc, mặt hàng dễ vỡ, đồ cao cấp,… nên xách tay để tránh hỏng hóc và thất lạc khi vận chuyển.

– Các đồ vật nên để trong hành lý xách tay: giấy tờ quan trọng (CCCD, hộ chiếu, thư mời nhập học, vé máy bay), đồ điện tử, sạc/ sạc dự phòng, mỹ phẩm, chất lỏng có dung tích dưới 100ml, đồ ăn nhẹ, áo khoác mỏng.

– Các vật nhọn (dao, kéo, vũ khí, dũa móng tay,…) không được phép mang lên máy bay

Hành lý ký gửi

– Tùy theo quy định của hãng hàng không, hành lý ký gửi có thể làm 1 kiện / 2 kiện. Mỗi kiện hành lý không được quá 30kg, tránh cho nhân viên vận chuyển bị quá sức.

– Các sản phẩm có nước nên bọc cẩn thận và chèn chặt giữa các đồ vật khác trong hành lý, tránh bị va đập gây vỡ hỏng. Nhiều chuyến bay không cho phép mang nước mắm hay sầu riêng, các loại hải sản cũng cần được đóng gói cẩn thận trong thùng xốp.

– Với các loại vali dễ vỡ hãy bọc cẩn thận trước khi làm thủ tục check-in. Các vali cần được khóa cẩn thận và nên đánh dấu vali (hoặc kiện hành lý) của mình để lúc lấy hành lý được thuận tiện và nhanh chóng.

– Lưu ý: chân máy ảnh phải để ở hành lý ký gửi

Đại diện Eduzone sẽ đón và làm thủ tục nối chuyến tại Manila cho học viên của Eduzone

CHUẨN BỊ ĐỒ DÙNG TRƯỚC KHI BAY

2.1 Thuốc

– Thuốc cảm cúm, hạ sốt, đau nhức đầu, sổ mũi, đau họng, siro ho, thuốc ngậm ho

– Thuốc đau bụng, đầy bụng, khó tiêu

– Các loại thuốc kháng sinh, thuốc dị ứng

– Các loại vitamin, các loại thuốc kê riêng theo đơn của bác sĩ mà học sinh đang phải điều trị

2.2 Thực phẩm (đề phòng trường hợp đồ ăn chưa hợp khẩu vị)

– Đồ khô (mì tôm, phở, bún, miến, cháo,….), bánh quy, bánh mềm, đồ uống (café, trà, trà sữa, sữa bột, ….)

– Gia vị: tương ớt, nước mắm, nước tương, muối…..nếu mang đi thì đóng gói kỹ và không mang quá 6 lít chất lỏng trong hành lý ký gửi

– Thực phẩm đã qua chế biến: ruốc, muối vừng, lạc rang, gà xé, bò khô, cơm cháy, cá khô, các loại hạt, hoa quả sấy, bánh tráng…..

* Không nên mang các loại mì Hàn, Nhật vì trong Mall tại Philippines bán rất nhiều và rẻ

2.3 Quần áo và đồ dùng cá nhân

a, Quần áo

– Học viên theo học các trường tại thành phố Manila, Cebu, Clark, Bacolod, Iloilo…do đặc điểm thời tiết nóng quanh năm nên mang theo các loại quần áo sau:

  • Quần áo mùa hè: áo phông, quần sooc, váy, áo ngắn tay chất liệu thoáng mát, quần tây, áo sơ mi….. (lưu ý không mang đồ quá ngắn hoặc phản cảm như áo hai dây, quần sooc quá ngắn).
  • Mang theo 1-2 áo khoác mỏng dùng trên máy bay hoặc trong lớp học.
  • Quần áo bơi: 1-2 bộ đồ bơi vì cuối tuần sẽ có những hoạt động dã ngoại như du lịch biển, trượt thác….
  • Không nên mang đồ hiệu đắt tiền vì tại trường sử dụng máy giặt, rất dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng quần áo, cũng như hạn chế thất lạc, mất mát.
  • Giày, dép, tất (vớ), đồ lót….: Tùy sở thích và thói quen sử dụng, ưu tiên các loại giày, dép thoáng mát, dễ dàng di chuyển.

– Học viên theo học các trường tại thành phố Baguio, có mát dịu, se lạnh nên lưu ý mang theo các loại quần áo sau:

  • Quần áo mùa hè + thu: áo phông ngắn tay, dài tay, áo len mỏng, quần dài thoải mái, quần tây, áo sơ mi, váy, áo khoác…. (lưu ý không mang đồ quá ngắn hoặc phản cảm)
  • Nếu học sinh đi vào mùa đông thì nên chuẩn bị giày, tất (vớ), áo len, áo khoác ấm,…
  • Quần áo bơi: 1-2 bộ đồ bơi (các trường đều gần biển, di chuyển 1-2h là tới nơi). Học viên có thể tham gia hoạt động dưới nước: bơi lội, lướt ván, lặn biển ngắm san hô….
  • Không nên mang đồ hiệu đắt tiền. Giày, dép, tất (vớ), đồ lót…chuẩn bị theo sở thích cá nhân, ưu tiên các loại giày dép dễ dàng di chuyển.

b, Đồ dùng cá nhân

– Sữa tắm, dầu gội, dầu xả, sữa rửa mặt, kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt, khăn tắm, máy sấy tóc, giấy vệ sinh,…

– Các loại mỹ phẩm: dưỡng da, mặt nạ, phấn, son, kem chống nắng,….Kem chống nắng rất cần thiết vì Philippines nằm cận xích đạo nên nền nhiệt ban ngày khá cao và ánh nắng khá gay gắt. Ưu tiên các loại kem chống nắng SPF 50++ trở lên

– Các loại vật dụng khác như: balo/ túi đựng sách vở, bình nước, ô (dù), mũ, dao cạo râu, kính mát, kính cận, lens….

Ổ cắm điện đa năng vì đa phần ổ cắm điện tại Philippines là dạng dẹt. Có thể chuẩn bị ổ cắm điện có dây nối dài nếu muốn sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc (điện thoại, laptop, ipad…)

2.4 Đồ dùng học tập

– Laptop, tai nghe, kim từ điển, smartphone cài các phần mềm dịch từ, dịch câu…..

– Vở ghi/ giấy A4, bút bi, bút chì, thước kẻ, tẩy….

– Các loại sách tham khảo thêm nếu như ở VN đang học

– Đèn bàn: có thể chuẩn bị thêm 1 chiếc đèn bàn nhỏ phục vụ cho việc học tại phòng ở.

III. CÁC GIẤY TỜ QUAN TRỌNG

Học viên chuẩn bị và in sẵn các loại giấy tờ sau dùng khi nhập cảnh vào Philippines:

– Hộ chiếu gốc (còn hạn 6 tháng)

– 04 Ảnh 5cm x 5 cm (ảnh chụp ngay ngắn trên nền trắng)

– Thư mời nhập học của trường

– Hóa đơn (Invoice) của trường

– Vé máy bay khứ hồi

– Chứng nhận tiêm chủng vaccine covid 19 (2 mũi)

– Tờ khai nhập cảnh được thực hiện Online trong vòng 72 tiếng trước giờ bay và thực hiện khai trên điện thoại cá nhân (để lưu lại mã QR Code)

Đường link khai thông tin: HTTPS://ETRAVEL.GOV.PH/

(Hướng dẫn khai thông tin xem thêm trong file đính kèm)

LƯU Ý VỀ TIỀN MẶT MANG THEO VÀ THẺ NGÂN HÀNG

4.1 Tiền mặt

– Học viên chuẩn bị tiền mặt mang theo dùng để:

+ Chi trả chi phí địa phương (điện, nước, giáo trình, giấy phép nhập học, …) theo ước tính của từng trường, nhân viên tư vấn sẽ hướng dẫn chi tiết.

+ Chi tiêu cá nhân như: mua đồ dùng (mắc áo, giấy vệ sinh, dầu gội, sữa tắm, xà phòng….), đi du lịch/ ăn uống với bạn bè, mua quà cho người thân….

Theo kinh nghiệm, chi tiêu cá nhân trung bình 100 usd – 500 usd/ tháng (tùy nhu cầu mua sắm, du lịch,…) do đó học viên tự cân đối chi tiêu để mang tiền hợp lý.

– Quy định nhập cảnh tại Philippines là không mang quá 10.000 PHP và 5000 USD (nếu mang quá số tiền quy định sẽ phải khai báo khi nhập cảnh). Để thuận tiện và có lợi về tỷ giá, học viên nên mang theo tiền USD và đổi sang PHP tại Philippines.

4.2 Thẻ ngân hàng

– Mọi loại thẻ VISA, MASTER hoặc CREDIT của các ngân hàng Vietcombank, ACB, Techcombank, VP bank, Eximbank, HSBC… đều có thể dễ dàng chi tiêu và rút tiền tại các cây ATM tại Philippines. Phí quẹt thẻ sẽ được tính theo công thức tính của từng ngân hàng.

– Phí rút tiền tại ATM dao động từ 200 PHP – 250 PHP (khoảng 100.000 VNĐ – 120.000 VND). Mỗi lần rút tiền tối đa là 10.000 PHP (khoảng 5.000.000 VND)

Lưu ý: Trước khi đi học tiếng Anh tại Philippines, học viên liên lạc trước với ngân hàng về kế hoạch của mình để NH hỗ trợ thẻ của bạn được mở khóa và rút tiền tại Philippines.

Chi tiết vui lòng liên hệ với Eduzone để được hướng dẫn cụ thể

Eduzone – Tư vấn tận tâm, dịch vụ xứng tầm

Visited 15 times, 1 visit(s) today

Đăng ký nhận báo giá và tư vấn khóa học miễn phí