Tại sao bạn học tiếng Anh mãi mà không có hiệu quả. Đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc khá nhiều nhưng không thể giao tiếp được. Có gì đó sai sai?

Slide 1

Chương trình ưu đãi đặc biệt áp dụng cho học sinh tham gia khóa học từ 4 tuần trở lên.

young woman holding tablet pc on the background with british national flag. english learning concept

Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn một vài bí quyết. Nói là bí quyết nhưng thực ra bài viết này là những mẹo nhỏ dựa trên kinh nghiệm cá nhân có tham khảo phương pháp học Effortless của thầy A.J Hoge.

Bài viết này không dành cho các bạn học tiếng Anh với mục đích học thuật (Thi các chứng chỉ), nó sẽ rất có ích cho những bạn mong muốn học tiếng Anh với mục đích giao tiếp (nghe nói tự nhiên).

Những bạn nào có con nhỏ, bạn đã bao giờ để ý rằng tại sao con mình lên 3-4 tuổi, chưa bao giờ trải qua một lớp học tiếng Việt nào mà bông dưng một hôm tự nhiên các cháu diễn đạt thành câu đủ ý, có mẹ còn khoe con tớ dạo này “nói khôn” lắm rồi? Lớn lên một chút 4-5 tuổi các bé mới học A,B,C nhưng lúc này các cháu đã giao tiếp với bố mẹ, thầy cô, ông bà và các bạn một cách lưu loát, đủ ý và cực kỳ tự nhiên. Nói đến đây các bạn đã hình dung ra phương pháp học này rồi. Phương pháp học này không mới, nhưng ở Việt Nam hiện nay áp dụng chưa nhiều. Đó chính là “học như một đứa trẻ”. Nói dông dài quá, bây giờ chúng ta cùng bắt đầu nhé.

[ez-toc]

1/ Nếu muốn học giao tiếp tốt, đừng bao giờ học ngữ pháp.

Lạ nhỉ, không học ngữ pháp sao nói chuẩn được? Đọc đến đây bạn hãy tự ngẫm lại mình xem, suốt thời gian dài học tiếng Anh của bạn, chắc thầy cô cũng nhồi kha khá kiến thức chuyên sâu ngữ pháp rồi nhỉ? Bạn thấy mình có giao tiếp tốt không? Hôm qua mình còn tình cờ thấy trên FB các bạn ấy share một tá những tờ giấy ghi chép công thức ngữ pháp tiếng Anh giống như công thức toán. Bạn nhớ được đống công thức đó rồi vận dụng vào tiếng Anh giao tiếp chắc người đối diện đã bỏ đi được quãng đường xa. Ngữ pháp rất quan trọng, nhưng nó chỉ quan trọng khi viết (làm các bài thi), còn khi giao tiếp bạn không có đủ thời gian để suy nghĩ xem nên dùng thì nào, cấu trúc câu ra sao…Nhưng nếu tôi không học ngữ pháp, tôi nói sẽ bị sai thì người ta cười tôi chết! Bạn hãy bình tĩnh, chúng ta còn nhiều mẹo ở phía sau.

2/ Hãy nghe nhiều hơn và bắt chước lại

Nghe nhiều là một trong những bí quyết giúp bạn học tiếng Anh giao tiếp một cách nhanh chóng. Đây chính là rút ra từ “học như đứa trẻ”. Trẻ em khi sinh ra chưa ai dạy, bạn ấy nằm trong nôi đã nghe ông, bà, bố, mẹ người thân nói bên mình. Lớn lên một chút bé cũng chưa nói được mà vẫn chỉ nghe những người xung quanh nói. Và sau đó lên 3-4 tuổi, tự dưng một ngày đẹp trời bé đã có thể nói những câu đơn giản. Lúc đầu là câu ngắn, sau này là câu dài (mà các mẹ hay nói là “nói khôn gớm”). Áp dụng vào học tiếng Anh giao tiếp, bạn hãy nghe thật nhiều vào. Nhưng nghe ở đâu? Nghe như thế nào? Hãy bắt đầu bằng một bài nghe thật đơn giản và ngắn (có thể là một hội thoại, hay một mẩu truyện ngắn dành cho trẻ em). Bạn hãy nghe đi nghe lại (thậm chí nghe cả một tuần liền chỉ một mẩu hội thoại đó), đừng vội vàng chuyển sang bài nghe khác. Viết đến đây mình hỏi các bạn một câu nhé. Bạn có thuộc một bài hát yêu thích nào không? Bài hát đó bạn có cố ngồi để học thuộc không? Phần lớn là không đúng không? Bạn thích nó, bạn nghe nó mỗi ngày. Rồi vài hôm bạn đã có thể thuộc lời, thuộc giai điệu và bắt đầu hát, thậm chí bạn còn hát hay và chuẩn hơn vài ca sĩ “vườn”. Bạn đã thấy tác dụng kinh khủng của việc nghe chưa? Khi nghe bạn cố gắng nhại lại theo giọng của phát thanh viên hoặc nhân vật trong hội thoại. Chẳng mấy chốc bạn sẽ nói giọng y như trong đĩa. Khi nghe nếu bạn gặp một từ mới, trong tay bạn có file text của bài nghe, bạn đừng bao giờ vội vàng giở ra xem từ mới đó nghĩa là gì. Hãy cố gắng đoán từ đó dựa vào ngữ cảnh của hội thoại. (Hiện nay trên VOA có chương trình dạy tiếng Anh, phát thanh viên đọc rất chậm có sub để bạn có thể nhại lại theo). Nghe cũng giúp tạo ra “môi trường tiếng” khi mà việc học tiếng Anh tại các nước bản địa đối với bạn là không thể.

3/ Hãy đọc đi đọc lại thật nhiều

Bí quyết này chính là tôi rút ra từ một người bạn khi còn ở cùng phòng KTX thời học đại học. Vừa mở mắt ra bạn ấy đã ôm lấy quyển sách và đọc thành lời, có những luc đi vệ sinh bạn ấy cũng ôm sách và đọc. Bạn lưu ý là đọc thành lời nhé, không phải đọc thầm. Bí kíp này trông vậy thôi nhưng có một sức mạnh vô cùng lớn đấy. Bạn hãy chọn những mẩu truyện vui và đơn giản, những mẩu đối thoại ngắn ở bí kíp nghe bên trên. Sau khi bạn đã bắt chước được giọng rồi, bạn bắt đầu đọc nó. Dân ngoại ngữ chúng tôi hay nói vui là đọc nhiều cho giọng nó “mềm” ra. Đọc càng nhiều thì miệng của bạn càng dẻo, phản xạ của bạn càng tốt. Sau này bạn sẽ bật ra câu tiếng Anh một cách tự nhiên theo kiểu tư duy bằng tiếng Anh chứ không phải là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh khi nói nữa. Khi bạn đọc, tai bạn nghe được âm thanh của bạn. Lúc này bạn lại luyện thêm một kỹ năng nữa đó là nghe. Thường xuyên ghi âm lại giọng của mình và so với bản gốc xem sự tiến bộ của mình. Bản ghi âm đầu tiên chắc chắc là vô cùng kinh khủng, không hiểu tại sao giọng của mình lại “chuối” đến thế này. Nhưng càng về sau bạn sẽ thấy sự tiến bộ của mình. Khi nào bản ghi âm của bạn nghe giống với giọng phát thanh viên, lúc này bạn đã thành công rồi đấy.

4/ Hãy sử dụng tài liệu “Real English” đừng sử dụng giáo trình học thuật vào tiếng Anh giao tiếp

Real English hiểu nôm na là tiếng Anh thực dụng hàng ngày. Khi học theo giáo trình học thuật, bạn chỉ biết các cách chào thông thường như: Hello, Good Morning, Hi… Nhưng khi gặp một người bạn họ nói What’s up? (nghĩa là Hello), How’s it going? (nghĩa là How are you?) bạn ngẩn tò te chẳng hiểu gì. Tiếng Anh giao tiếp khác xa với tiếng Anh học thuật. Bởi vậy hãy tìm giáo trình thực dụng hàng ngày, đừng dùng những giáo trình mang tính học thuật. Nên tìm giáo trình của những người bản xứ viết, không nên dùng những sách do giáo viên Việt Nam biên soạn lại.

5/ Học ngữ pháp thông qua văn phạm tự động

Bí quyết 1 nói là không học ngữ pháp khi học giao tiếp cơ mà. Câu trả lời là “Đúng”. Vậy chúng ta sẽ học ngữ pháp khi nào? Chúng ta sẽ học ngữ pháp thông qua văn phạm tự động. Tôi thật thích thú với những đoạn audio/text của Hoge. Một nội dung Hoge viết bằng nhiều thì ngữ pháp khác nhau. Khi bạn học đoạn đó ở thì hiện tại ví dụ. “I go to ABC school to learn English”. Thông qua câu này bạn đã học được thì hiện tại của động từ “go”, những nếu nói “Yesterday I went to ABC school to meet my teacher” bạn lại học được thêm thì quá khứ của động từ “go”. Bạn sẽ ko phải nhớ là “go” ở thì quá khứ là gì nữa. Sau này cứ nói Yesterday, last year là tự dưng bạn bật ra “went”.

6/ Học từ mới theo ngữ cảnh

Bạn đã bao giờ có một quyền vở ghi chép từ mới kiểu như sau chưa:

To go = Đi (v)

To eat = Ăn (v)

A book = Một quyển sách (n)

Sau đó hôm sau bạn mở quyển ghi chép đó ra và bắt đầu nhẩm nhẩm “go” là đi, “eat” là ăn….

Nếu bạn đã từng có thì tôi khuyên bạn nên bỏ ngay chúng đi và chúng ta bắt đầu bằng một cách khác. Chúng ta hãy học từ mới trong ngữ cảnh. Đó là đưa từ mới đó vào trong câu hoàn chỉnh. Học theo kiểu này các bạn sẽ nhớ rất lâu.

7/ Đừng bao giờ sợ sai, hãy mạnh dạn

Ngôn ngữ là giao tiếp, bạn hãy tự tin giao tiếp miễn là đối phương hiểu bạn. Hãy diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau (kể cả dùng ngôn ngữ cơ thể) để cho đối phương hiểu. Kinh nghiệm cho thấy những ai càng “mạnh miệng” học ngoại ngữ càng tốt.

8/ Thực hành thường xuyên và càng nhiều càng tốt.

Bạn đã có bí quyết, giờ là lúc bắt đầu thực hành và học. Ngôn ngữ hình thành do thói quen lặp đi lặp lại. Chẳng có gì ghê gớm cả.

Trên đây là một số mẹo nhỏ giúp các bạn học tiếng Anh giao tiếp một cách hiệu quả. Nếu bạn có những bí quyết nào hay, hãy chia sẻ cùng mình qua cmt dưới đây nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt.

Nguyễn Đăng Hiển (Giám đốc Du học Eduzone)

Visited 3 times, 1 visit(s) today

Đăng ký nhận báo giá và tư vấn khóa học miễn phí